Vì sao khó bỏ tù những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm?

TP HCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý hình sự ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong khi mức xử lý hành chính cao nhất chỉ 500 triệu đồng không đủ sức răn đe.

 Vì sao khó bỏ tù những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm?  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ – ngành mới đây về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 trên địa bàn TP HCM, UBND TP đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo UBND TP, quy định pháp luật xử lý vi phạm về ATTP vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo cũng như thi hành pháp luật.

Cụ thể, Điều 6 Luật ATTP quy định có 2 biện pháp xử lý trong lĩnh vực ATTP là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý hình sự.

Muốn xử lý đối với hành vi phạm tội quy định tại Khoản 2, Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015, phải có hậu quả làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Theo đó, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 – 7 năm.

Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ thương tổn ngay khi sử dụng loại thực phẩm đó là chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực ATTP. Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng hầu như chỉ dựa vào việc có chết người, trong khi những chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm không gây chết người ngay lập tức mà qua thời gian dài tích tụ trong cơ thể mới gây ra hậu quả.

Do vậy, cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xử lý hình sự và phải chuyển sang xử lý hành chính, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng không đủ sức răn đe.

Ngoài ra, do đặc thù hoạt động của chợ đầu mối, hoạt động phân phối sản phẩm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (ngay trong dêm). Trong khi theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định và kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian từ 2 – 4 ngày. Trong khi đó, hiện nay cũng chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nếu có kết quả dương tính thì lô hàng đã được phân phối, không còn tại chợ.

Vì vậy, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ có thể bằng hình thức phạt tiền còn việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) thật sự có khó khăn.

Từ những bất cập trên, để kiểm soát vệ sinh ATTP, UBND TP đề nghị bổ sung các quy định về kiểm soát từ nguồn, trong quá trình nuôi trồng, thu hoạch.

Theo UBND TP, trong năm 2020, Ban Quản lý ATTP TP đã kiểm tra 6.364 cơ sở, phát hiện 239 cơ sở vi phạm, xử phạt 230 cơ sở với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 cơ sở; buộc tháo dỡ, tháo gỡ quảng cáo 5 cơ sở; buộc kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch lại 315 kg sản phẩm động vật, thực hiện tịch thu để tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2.608 kg sản phẩm động vật.

Theo Nguyễn Phan

Người lao động

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan

Scroll to Top