Hà Nội: Phát hiện hàng nghìn hộp sữa Hàn Quốc nghi nhập lậu

Lực lượng chức năng TP.Hà Nội phát hiện gần 1.000 hộp sữa Hàn Quốc thường được sử dụng phổ biến tại thị trường Việt Nam nhưng không có tem nhãn phụ theo quy định.

Cuối tuần qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội phối hợp với Đội 4 Cục Quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra 2 địa điểm tại phố Láng Hạ và phố Lê Quang Đạo.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ tại Hàn Quốc được phát hiện cất giữ tại các địa điểm này đều có dấu hiệu là hàng lậu. Chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Trong đó, có gần 1.000 hộp sữa Hàn Quốc thường được sử dụng phổ biến tại thị trường Việt Nam nhưng không có tem nhãn phụ theo quy định.

Với giá bán trung bình tại Việt Nam khoảng 500.000 đồng/hộp sữa cộng với hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng khác thì tổng giá trị của kho hàng này lên tới hàng tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện một căn chung cư tại địa chỉ 88 Láng Hạ là địa điểm trung chuyển của nhiều loại hàng hóa Hàn Quốc nghi nhập lậu vào Việt Nam. Tại đây, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hàng nghìn loại thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, mỹ phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành niêm phong toàn bộ sản phẩm ở cả 2 kho hàng, đồng thời yêu cầu chủ hàng phối hợp để làm rõ.

Theo Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Mức tiền phạt sẽ tăng gấp đôi nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất,…

Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật và buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường…

Theo H.Hà

BizLive

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan

Scroll to Top